Nói đến thương hiệu là nói đến logo, bao bì, catalogue, trang phục nhân viên… tất cả tạo nên tổng thể bộ nhận diện thương hiệu. Trong một cơ thể thống nhất ấy, logo giống như mặt tiền của ngôi nhà, là tín hiệu khiến người ta phân biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp này với toàn bộ doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, để có được điều đó, cần đòi hỏi sự đầu tư thiết kế đúng mức, nhất là khi chúng ta đang bước vào thời buổi hội nhập, cạnh tranh như ngày nay.
Theo họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông, một logo về thực phẩm khác hẳn logo về mỹ phẩm, dược phẩm. Những dải màu nóng thường liên quan đến thực phẩm, mang lại cảm giác an toàn, gắn với quan niệm của người Á Đông. Bao bì về nước hoa thì mang tính sang trọng, kiểu dáng chai nước hoa của Nam cũng khác biệt với Nữ, nước hoa dành cho Nam kiểu dáng mạnh mẽ, góc cạnh hơn, còn dành cho Nữ thì mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng… Một logo khiến người ta không nhớ lâu thì logo ấy có vấn đề.
Phân tích về vai trò của bao bì, logo, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông nhấn mạnh: “Bao bì là đại sứ thường trực của doanh nghiệp, giao du thường xuyên với khách hàng, cho thấy sự tin cậy, cam kết, chân thực qua các thông số. Doanh nghiệp (DN) thông qua từng bao bì sản phẩm, chuyển bá bằng tín hiệu đồ họa là quảng bá cho doanh nghiệp sinh động hơn bao giờ hết. Nó gia tăng niềm tin và sức sống, cơ hội tiếp xúc với người tiêu dùng, từ đó đo lường được sự trung thành của doanh nghiệp với khách hàng.
Tầm quan trọng của bao bì trong việc tạo sức mạnh của thương hiệu
Theo nghiên cứu của AC Nielson, bao bì đẹp và bắt mắt luôn nằm trong top các đặc tính ảnh hưởng sức mạnh thương hiệu, càng quan trọng với nhóm tiêu dùng phía Bắc và người tiêu dùng trẻ từ 14-18 tuổi. Việc đo lường sức khỏe nhãn hiệu không chỉ ảnh hưởng sức mạnh thương hiệu mà còn ảnh hưởng đến niềm tin, chất lượng. Một trong những cách có thể đánh trực diện là bao bì.
Nếu như bao bì xanh chất liệu thiên nhiên, tốt cho môi trường cũng giúp nâng cảm xúc cho người tiêu dùng thì những bao bì mang các giá trị dân tộc, theo mùa vụ ra các phiên bản đặc biệt như mùa xuân, valentin…cũng giúp gia tăng sự gắn kết của người tiêu dùng hay bao bì“Vintage” bao bì giúp cho họ cảm nhận sự thuần khiết, dặc trưng vùng miền.
Kết quả nghiên cứu tại thị trường Việt Nam cũng đã cho thấy, mì ăn liền Omachi và Miliket dù chất lượng ngang nhau, nhưng do bao bì Omachi thể hiện cao cấp, khác biệt, phù hợp nhu cầu, đối tượng, nên người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao cho hơn cho Omachi từ 3 đến 6 ngàn đồng. Trong khi Miliket bỏ mất cơ hội rất nhiều vì không đầu tư vào bao bì suốt nhiều năm nay. Hay dễ nhận thấy ở bì Mỹ Hảo, nhiều người đánh giá là bình thường, không sang, trong khi Sunlight thấy sang, giản dị, tinh tế, chất liệu sánh… Chính sự khác biệt về bao bì ấy đã khiến Mỹ Hảo chỉ bán chủ yếu ở nông thôn, giá 11-12 ngàn đồng, còn Sunlight bán 16-18 ngàn đồng, chiếm thị phần lớn cả thành thị và nông thôn…
Theo AC Nielson, 5 nguyên nhân chính dẫn đến bao bì xấu là do các DN Việt Nam thường thiết kế theo quan điểm ý kiến nội bộ; Thiếu quan điểm đánh giá của người tiêu dùng; Bao bì trở nên quá già cỗi; Thiếu đánh giá thực tế trên quầy kệ; Cải tiến bao bì không giúp bán hàng tốt hơn, phải xem xét lại quá trình nghiên cứu.
Để thay đổi về căn bản, nhà thiết kế và DN phải cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau để thống nhất mục tiêu, thiết kế trọng tâm, từ đó khám phá tìm hiểu sự tương tác của người tiêu dùng với ngành hàng và các nhu cầu chưa thỏa mãn, từ đó lựa chọn đánh giá bao bì tốt nhất dựa trên ba tiêu chí : Sự nổi bật, khác biệt; Mức độ yêu thích; Mức độ phù hợp định vị. Sau đó đưa rất nhiều phương án khác nhau để họ lựa chọn.